Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Thủ tục nhà ở xã hội còn phức tạp hơn nhà ở thương mại
“Năm nay sắp xếp tinh gọn bộ máy, sáp nhập địa phương thì kế hoạch tính làm bao nhiêu căn nhà ở xã hội để có chỗ ở cho cán bộ công chức? Cần xem lại quy hoạch về nhà ở xã hội để có nguồn lực đầu tư thỏa đáng”, ông Nguyễn Trường Giang – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư Pháp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cũng cho rằng trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, Chính phủ cũng đặt mục tiêu cụ thể 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2030, rất cần cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Theo thực tế ghi nhận trong năm 2023, khi Quốc hội giám sát tối cao về chính sách liên quan bất động sản và nhà ở xã hội, thấy các thủ tục, quy định liên quan nhà ở xã hội còn phức tạp hơn nhà ở thương mại, phải mất 3-5 năm mới có dự án nhà ở xã hội nếu mọi việc suôn sẻ.
Vị đại biểu này cũng đề cập đến Quỹ Nhà ở quốc gia nêu trong dự thảo nghị quyết và cho rằng dự thảo chưa làm rõ ai sẽ quản lý quỹ này. “Nếu lại giao cho Mặt trận Tổ quốc hay Tổng Liên đoàn Lao động thì không ổn, vì vừa đầu tư xây dựng, vừa cho thuê, thuê mua, một cơ quan như Mặt trận Tổ quốc có đảm nhiệm được không? Rất phức tạp!”, ông nói.
Nhận định thành lập quỹ là cần thiết song vị đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ cơ quan nào điều hành, cơ chế vận hành, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của quỹ thế nào.
Về thẩm định giá mua, thuê mua nhà ở xã hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng – chuyên trách tại Ủy ban Kinh Tế và Tài Chính đánh giá lần này có bước rất đột phá là giao cho chủ đầu tư mà không cần phải thông qua các cơ quan thẩm định như trước đây đã giúp rút ngắn đi thời gian thực hiện các thủ tục rất nhiều.
Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Mạnh Hùng
Cắt giảm thủ tục, đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc đơn giản hóa thủ tục, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Ông cho biết từ năm 2021 tới nay, cả nước có 657 dự án nhà ở xã hội, song số lượng căn nhà ở xã hội mới chỉ đạt 15,6%. Mục tiêu tới 2030 phải xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho người dân thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, Chính phủ cũng đã dành gói 120.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, tiến độ giải ngân rất chậm.
“Chậm ở đây là do chúng ta chưa chỉ đạo quyết liệt và do cả thủ tục hành chính vì triển khai một dự án nhà ở xã hội với quy trình hiện nay, phải mất thời gian tới 2 năm”, ông Mẫn nói.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ sáng 21/5
Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù cho phép giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu. Theo ông Mẫn, cơ chế đặc thù này sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội với thủ tục đầu tư chỉ còn tối đa 75 ngày, giảm khoảng 200 ngày – tương ứng 70% so với hiện nay.
Ông nhấn mạnh trong năm 2025, nếu thực hiện hiệu quả các chính sách trong dự thảo nghị quyết sẽ tạo động lực mạnh mẽ để đạt mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội.
Với Quỹ Nhà ở quốc gia, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải xác định rõ mô hình hoạt động, tư cách pháp nhân, chức năng nhiệm vụ. Cùng đó, làm rõ quan hệ với quỹ khác đã có như Quỹ Phát triển nhà ở, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương cũng có chức năng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
(Nguồn Dân Trí)