Huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đang nỗ lực xử lý triệt để nguồn phát sinh gây ô nhiễm môi trường và trên đà tăng tốc hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III, hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị xanh, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2026.
Không để ô nhiễm trở thành “nỗi đau kéo dài”
Trong buổi kiểm tra, làm việc về các tiêu chí nâng cấp đô thị đối với huyện Yên Phong vào ngày 29/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu huyện Yên Phong tập trung vào hai nhiệm vụ trọng tâm: Một là hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III; hai là xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường. Cụ thể, huyện cần khắc phục những tồn tại, thiếu sót để đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại III và đặc biệt chú trọng đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn – một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình thẩm định để Yên Phong đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
Ghi nhận những nỗ lực ban đầu của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng đoàn và huyện Yên Phong trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm tại làng nghề Mẫn Xá, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, sẽ không để ô nhiễm môi trường trở thành “nỗi đau kéo dài”; huyện Yên Phong cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, kiên quyết không được để tái diễn tình trạng vi phạm. Tỉnh cam kết sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc dừng hoạt động các cơ sở tái chế kim loại vi phạm pháp luật tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn và Đề án tổng thể bảo vệ môi trường, Bí thư Huyện ủy Yên Phong Hoàng Bá Huy cho biết, làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn có lịch sử phát triển gần 100 năm. Dẫu vậy, thời gian qua, làng nghề đã và đang để lại hậu quả nặng nề, gây ra ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường sống. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, Huyện ủy và UBND huyện Yên Phong đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Đến nay, đã có 96/146 hộ sản xuất tại thôn Mẫn Xá tự nguyện phá dỡ lò đốt, lò tái chế kim loại. Thời gian tới, huyện Yên Phong sẽ tiếp tục duy trì các tổ chốt chặn và tổ tuần tra 24/24h, đảm bảo các cơ sở không tái diễn vi phạm; chậm nhất đến ngày 10/12, toàn bộ 146 cơ sở sản xuất trong làng nghề Mẫn Xá sẽ không còn lò cô đúc nhôm, ống khói để trả lại môi trường trong lành cho người dân.
Ngoài việc huy động tổng lực để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, huyện sẽ đề xuất với UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp. “Lãnh đạo tỉnh và huyện Yên Phong cũng rất đau đáu, làm sao giúp cho Mẫn Xá xanh trở lại, người dân ổn định cuộc sống và được hưởng lợi từ môi trường trong lành” – Bí thư Huyện ủy Yên Phong chia sẻ.
Được biết, ngày 29/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực môi trường, phòng cháy chữa cháy, quy hoạch và xây dựng đối với Công ty TNHH XNK thương mại Hân An, Công ty TNHH Nhôm thời đại mới, cơ sở sản xuất của ông Lê Quang Chiến và ông Nguyễn Ngọc Khánh trong Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, với tổng số tiền phạt gần 2,8 tỷ đồng. Tính đến nay, đã có 67 cơ sở tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá bị xử phạt, thu nộp vào ngân sách gần 31 tỷ đồng.
Tăng tốc hoàn thiện tiêu chí đô thị
Song song với việc quyết liệt trong công tác xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm, để đạt được các tiêu chuẩn của đô thị loại III theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15, đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Yên Phong đang tập trung mọi nguồn lực, hoàn thiện các tiêu chí nâng cấp đô thị loại III. Các dự án trọng điểm đang được huyện triển khai với tổng vốn đầu tư khoảng 2.585 tỷ đồng, bao gồm: Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND; công trình giáo dục mầm non và phổ thông cơ sở; trạm y tế; khuôn viên cây xanh. Ngoài ra, huyện cũng đề xuất 28 dự án ưu tiên khác với tổng vốn khoảng 9.820 tỷ đồng để khắc phục những tiêu chuẩn còn yếu kém so với yêu cầu.